Hàng ngàn sinh viên sập bẫy ‘bao đậu’ thi các chứng chỉ tiếng Anh

‘Bạn không học được, cần bằng đã có người thi hộ. Người thật, thi thật, nói không với chứng chỉ giả. Bảo hành kết quả trọn đời, không đạt hoàn 200% phí’. Đó là một trong những kiểu mời chào hấp dẫn có trên mạng xã hội.

Hàng ngàn sinh viên sập bẫy ‘bao đậu’ thi các chứng chỉ tiếng Anh

Đó là thông tin trên fanpage Dịch vụ thi hộ ngoại ngữ. Nơi này cam kết học viên đạt điểm tối thiểu TOEIC 450đ, IELTS 4.5.

Bao đậu, rớt hoàn tiền
Để có thể lấy chứng chỉ B2, người của trang này đã tư vấn về quy trình hỗ trợ thi. Theo đó, đầu tiên đơn vị này sẽ đăng ký lịch thi cho khách hàng và đăng ký thêm cho một người thi hộ, sau đó sắp xếp hai người ngồi cạnh nhau trong phòng thi.

“Bên mình sẽ đăng ký cho hai bạn thi trên máy tính. Tới ngày thi bạn vẫn phải có mặt ở điểm thi như bình thường nhưng không phải làm bài, học viên bên mình sẽ làm bài cho bạn. Ví dụ bạn ngồi máy số 1, học viên bên mình ngồi máy số 2… Sau khi quá trình lưu camera kết thúc, giám thị là người của bên mình sẽ nhắc nhở hai bạn ngồi nhầm vị trí rồi đổi lại vị trí cho nhau.

Lúc đó bạn sẽ ngồi máy của học viên, còn máy của bạn sẽ được học viên ngồi vào và làm bài cho bạn.

Quy trình như vậy rất kín kẽ và an toàn. Về thanh toán chi phí và phí thi hộ, các bạn sẽ thanh toán sau khi nhận được chứng chỉ” – trang này tư vấn.

Chúng tôi đặt vấn đề khi thi nói làm sao, bằng cách nào thi hộ được? Trang này đề nghị cho số điện thoại để tư vấn trực tiếp.

Một người tên Tạ Anh Đức gọi điện tư vấn tiếp về quy trình thi nói và chi phí. Người này cho biết thi nói không thể bố trí người thi hộ được. Tuy nhiên, họ sẽ hỗ trợ 4 câu hỏi kèm đáp án, đảm bảo đúng chủ đề bài thi nói.

“Khi vào phòng thi, vì giám thị là người của chúng tôi nên cho phép học viên đem 4 bài đã soạn sẵn vào, học viên chỉ nhìn vào đó mà nói” – người này tư vấn.

Liên tục yêu cầu đóng tiền như… đa cấp
Từ quảng cáo của Anh ngữ quốc tế Remi – hỗ trợ IELTS TOEIC PTE VSTEP cấp tốc – trên mạng xã hội, anh T. (ở TP.HCM) liên hệ và được người tên Hồ Quang Đạt tư vấn. Chi phí trọn gói 8 triệu đồng, thi ngày 21-9 tại Trường đại học Văn Lang.

Sau khi anh T. cung cấp thông tin cá nhân, chuyển cọc phí đăng ký dự thi 3,6 triệu đồng, Đạt gửi cho anh một bản cam kết có đóng mộc đỏ của IIG Việt Nam.

Trong bản cam kết này, người tên Đạt xưng đơn vị công tác là Trung tâm IIG số 28 Mai Chí Thọ, An Phú, Thủ Đức, TP.HCM.

Sau ngày thi xong VSTEP B2, ông/bà T. phải thanh toán số tiền còn lại 4,4 triệu đồng.

Thế nhưng đó không phải là chi phí cuối cùng. Bản cam kết này còn viết: “do vấn đề bảo mật thông tin giữa học viên và phía người đứng ra hỗ trợ cửa sau, chúng tôi yêu cầu ông T. cọc số tiền 10 triệu đồng trong ngày 17-9 để giữ bảo mật thông tin của cả đôi bên, chúng tôi sẽ giữ số tiền này đến thi xong ngày 21-9 sẽ hoàn trả”.

Phía dưới cam kết là đấu đỏ của IIG Việt Nam và tên ông Hồ Quang Đạt. Điều đáng nói là con dấu của IIG Việt Nam trong bản cam kết này còn có dòng chữ “Bộ Giáo dục và Đào tạo” như con dấu của các trường đại học.

Tổng số tiền anh T. đã đóng 13,6 triệu đồng vào số tài khoản 318.621.591 tại MB bank, tên tài khoản là Công ty TNHH dịch vụ IIG.

Đến ngày 19-9, Đạt nhắn tin cho T. cho biết giám khảo thi nói yêu cầu đóng 5 triệu đồng để bảo mật câu hỏi thi nói, thi xong sẽ trả lại. Anh T. không đồng ý và yêu cầu hoàn tiền đã đóng.

Khi này, Đạt lại giới thiệu T. cho một người tên Hạnh, được cho là kế toán của trung tâm. Toàn bộ đều trao đổi qua Zalo, Facebook messenger chứ không có cuộc gặp trực tiếp bên ngoài hay tại trụ sở của trung tâm.

Người tên Hạnh yêu cầu T. cung cấp chứng từ đã đóng. Sau khi kiểm tra và xác nhận số tiền T. đã đóng là 13,6 triệu đồng, Hạnh cho biết theo quy định của trung tâm, học viên muốn hoàn phí phải đóng tiền xác thực bằng 50% tổng số tiền đã đóng.

Theo đó, T. phải đóng thêm 6,8 triệu đồng. Sau khi T. đóng tiền xác thực, trung tâm sẽ trả lại tổng tiền cho T. là 20,4 triệu đồng.

Anh T. nhận thấy đây là hành vi lừa đảo, không đóng tiền thêm và nói với Hạnh sẽ báo công an. Hạnh lúc này trở mặt nói với T.: “Bạn đã đi cửa sau mà còn như thế, báo hộ mình cái. Còn hồ sơ của bạn mình sẽ báo thanh tra xử lý. Mình làm kế toán 5 – 7 năm nay chưa ngán thành phần nào!”.

Lừa đảo
Chúng tôi liên hệ với Anh ngữ Remi. Qua điện thoại, người của trung tâm tên Trà My cho biết hoàn toàn không liên quan đến các hoạt động hỗ trợ thi chứng chỉ ngoại ngữ như thông tin mà chúng tôi cung cấp.

Người này sau đó nói đang bận và cúp máy.

Trong khi đó, nhìn vào bản cam kết Hồ Quang Đạt gửi cho anh T., bà Lê Thị Thanh Thủy, giám đốc IIG Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định ngay đây là lừa đảo bởi IIG không có dịch vụ nào như vậy.

Theo bà Thủy, nhìn con dấu biết ngay là con dấu giả. IIG Việt Nam chỉ tổ chức thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không có VSTEP (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam) nên không thể đứng ra cam kết với khách hàng về B2 được.

“Rất nhiều người đã bị lừa kiểu này đã đến IIG Việt Nam trình báo, xác minh. Chúng tôi cũng đã báo thông tin cho công an để họ làm việc” – bà Thủy nói.

Cũng với cách đánh giá này, bà Khuất Thị Ngọc, phó giám đốc Trung tâm khảo thí tiếng Anh Trường đại học Văn Lang, khẳng định quy trình thi VSTEP hiện tại không thể xảy ra những gian dối như thông tin tư vấn. Họ nói như vậy để lừa đảo.

“Mới đây chúng tôi phát hiện một trường hợp sử dụng giấy tờ giả thi hộ và đã báo công an xử lý. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo thi VSTEP xảy ra không ít” – bà Ngọc nói.

Theo tuoitre.vn
Hàng ngàn sinh viên sập bẫy ‘bao đậu’ thi các chứng chỉ tiếng Anh