Sinh viên Công Nghiệp

Sinh viên ‘khổ’ thế nào khi mùa hè đến: Tiền điện tăng chóng mặt, ‘tạm trú’ quán cafe – cK để tránh nóng

922

Mùa hè có thể nói là “cơn ác mộng” đối với sinh viên. Những ngày nhiệt độ lên tới 38-39 độ C khiến cho tình cảnh ở trọ của các bạn thêm phần lao đao

Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc liên tục trải qua nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao, có lúc lên đến 38 – 40 độ C. Và một trong những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tiết trời khắc nghiệt này không nghi ngờ gì chính là hội sinh viên ở trọ.

Hiện nay nhà trọ sinh viên có đủ loại, từ cao cấp đến thứ cấp. Ai may mắn có điều kiện sẽ thuê được nhà có điều hòa, còn đâu phần đông sinh viên vẫn lựa chọn thuê những căn nhà cấp bốn vì giá thuê vừa phải. Hè tới, nhiệt độ tăng cao, nắng gắt ngay từ sáng sớm cho tới tối muộn vẫn chưa hạ nhiệt, không khí trong các căn phòng trọ càng trở nên bí bách, mọi đồ đạc cũng trở nên nóng ran.

Cũng chính bởi vậy, việc phải tìm cách đối phó và sống chung với nắng nóng bỗng trở thành vấn đề nan giải mà sinh viên xa nhà buộc phải giải quyết…

Sinh viên khổ sở, “vật vã” vì cái nóng như thiêu như đốt, lo ngại khi tiền điện tăng cao

Dưới nền nhiệt tăng cao trong những ngày hè, phòng trọ đã nhỏ hẹp càng trở nên chật chội và nóng nực. Do được xây dựng tạm bợ, nên nhiều phòng trọ dần trở thành nơi mà sinh viên không muốn ở trong những ngày hè nắng nóng.

Nguyễn Mai Phương (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Thời tiết Hà Nội dạo gần đây khá nóng bức, đi ra đường mà nóng như thiêu như đốt da thịt đến mức khó thở luôn. Ngồi trong phòng trọ cũng chẳng khá hơn, cảm giác cực kì khó chịu. May mắn phòng mình thuê có điều hòa. Khi trời nóng quá thì mình vẫn sử dụng điều hòa để làm mát nhanh, nhưng đôi khi mình vẫn bật quạt để làm dịu lại không khí trong phòng”.

Cùng chung hoàn cảnh với Mai Phương, Nguyễn Huỳnh Đức (sinh viên năm nhất, chuyên ngành Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính) cho biết đang thuê một căn phòng trọ khá đông người, do ở với nhóm bạn thân nên việc sử dụng điều hòa 24/7 là điều không thể tránh khỏi.

“Có thể nói Hà Nội đang vào những ngày cao điểm của đợt nắng nóng, nhiệt độ nhiều nơi còn ghi nhận 40 độ C. Mình cũng ở trọ nên cảm giác bức bối, mệt mỏi lắm. Trời nóng như vậy mình sẽ phải bật điều hòa 24/7 vì mình ở cùng với một nhóm bạn thân, chứ việc bật quạt không thôi trong tiết trời như vậy mình không thể chịu được”.

Theo như Huỳnh Đức, do ở đông người nên chỉ tính riêng tiền điện tháng vừa rồi của Đức đã lên đến 2,8 triệu đồng. Đây là một con số khá là đắt so với mặt bằng chung của đời sống sinh viên ở hiện tại.

Muôn kiểu tránh nóng của sinh viên và giải pháp giúp tiết kiệm tiền điện

Để đối phó với thời tiết nắng nóng, nhiều sinh viên đã nghĩ ra đủ mọi cách “sống chung với lũ” như: Đặt chậu nước trong phòng, mua đá về để trước quạt, hay thậm chí là lau nhà 3-4 lần, mở tất cả các cửa để cho phòng luôn mát… Cùng lúc đó, có một số bạn sinh viên lại lựa chọn “đóng đô” ở các quán ăn và cafe để có thể làm việc.

Trần Lưu Quang (sinh viên năm nhất, trường Đại học Kiến trúc) cho biết: “Phòng mình nằm cạnh sân phơi cho nên hay bị hấp hơi nóng từ bên ngoài vào, không khí trong phòng lúc nào cũng rất oi bức và ngột ngạt. Hơn nữa mình đang sử dụng chung phòng với em trai, vì thế việc phải bật điều hòa liên tục mỗi lúc ở trong phòng là điều không thể tránh khỏi.

Hướng giải quyết của mình là thỉnh thoảng ra những quán cafe có điều hòa để tranh thủ học và làm việc. Tiền nước tốn xíu thôi chứ việc thỉnh thoảng ra ngoài quán xá để thay đổi không gian cũng là ý hay đấy”.

Nói về cách trốn nắng ở những ngày hè, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sinh viên năm nhất, chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý, trường Học viện Ngân Hàng) chia sẻ bí quyết:

“Mình có chọn được một vài địa điểm, không gian thoải mái để học và làm việc trong mùa hè ở Hà Nội. Thông thường thì mình sẽ ngồi học, làm việc ở quán cafe, thư viện trường, đôi lúc sẽ là những quán ăn nhanh vắng người. Thú thực ngồi quán cafe cả ngày, mình không thấy tiết kiệm lắm, thậm chí còn tốn kém hơn bật điều hòa ở nhà. Nhưng quan trọng là không gian ở đó thoải mái, thuận tiện cho việc học hành, công việc của mình.

Tùy hôm mà mình sẽ đưa ra sự lựa chọn khác nhau. Hôm nào quá nóng, lại nhiều việc phải hoàn thành thì mình sẽ ra quán cafe ngồi làm việc cho tập trung. Còn hôm nào không nóng lắm, không quá nhiều việc và… hết tiền thì mình sẽ ở nhà”.

Thực tế, do hoàn cảnh bắt buộc, sinh viên có hàng trăm khoản chi phí phải lo. Bởi vậy, trong mùa hè này, bên cạnh tiền điện, tiền nhà, tiền ăn uống, tiền xăng xe,… thì việc tiết kiệm chi phí là một điều giải pháp tối ưu ai cũng phải nghĩ đến.

“Mình nghĩ điều hòa chỉ là một trong những yếu tố làm tiền điện tăng lên thôi, vì ngoài ra bọn mình còn sử dụng các đồ điện khác như ấm siêu tốc hay bếp điện. Đó là những đồ vật khiến số điện tăng lên khá nhiều và mình sẽ phải chi trả khoản chi phí cuối tháng lớn hơn.

Mình là sinh viên mà, trong thời điểm giá xăng đang tăng cao như hiện nay thì việc cân nhắc các khoản chi tiêu là điều vô cùng cần thiết. Cách mình làm đơn giản là cố gắng kiểm soát việc tụ tập ăn uống bên ngoài, vì rõ ràng số tiền bạn phải bỏ ra cho mỗi bữa ăn bên ngoài là không hề nhỏ, thậm chí gấp 3-4 lần một bữa ăn ở nhà. Ngoài ra, mỗi khi mua một thứ gì đó, mình sẽ tự hỏi món hàng này có thực sự cần thiết hay không và đáp ứng được nhu cầu nào của bạn. Các bạn cũng cần cố gắng quản lý chi tiêu của mình, để cuối tháng không rơi vào cảnh ‘ví rỗng’ nhé”, Huỳnh Đức tâm sự.

Ngoài ra, một số bạn sẽ lựa chọn việc về quê để tránh nóng, đồng thời cũng giúp tiết kiệm điện và các khoản chi phí phát sinh khác.

“Nếu mỗi tháng dùng điều hòa quá nhiều thì chi phí tiền điện sẽ tăng lên rất nhiều, thậm chí là gần gấp đôi. Điều hòa quả thực đúng là gánh nặng mỗi tháng trong mùa hè. Tiền điện vào những tháng mùa hè này là nỗi lo nơm nớp của nhiều sinh viên. Nhiều bạn bật điều hòa thì sợ tốn điện, mà không bật thì lại nóng, không muốn làm gì.

Nhưng mình nghĩ rằng, mỗi người đều sẽ có cho mình giải pháp hợp lý, phù hợp, thắt chặt chi tiêu trong mùa hè này để cân đối được tài chính của mình. Riêng mình và vài người bạn của mình đã lựa chọn ‘trốn’ về quê vừa tránh nóng, tránh ngột ngạt, vừa giảm thiểu được tối đa chi phí tiền điện luôn”, Minh Nguyệt kể.

Có thể thấy, câu chuyện các bạn sinh viên đối phó với cái nắng nóng mùa hè là chuyện muôn thuở mà ai cũng cần lưu tâm. Có rất nhiều kiểu tránh nóng của sinh viên trong những ngày hè nóng bức này, do đó mỗi người hãy chọn cho mình những cách tránh nóng khoa học để giữ gìn sức khỏe và giúp tiết kiệm chi phí một cách tối đa nhất nhé!

Ảnh: NVCC, ST

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.