Sinh viên Công Nghiệp

Nam sinh viên “chân đất” IUH thành “Công dân trẻ tiêu biểu”

718

Từ chàng sinh viên nghèo “nhà quê” rụt rè, thiếu tự tin, Lê Chí Cường đã vượt qua những hạn chế bản thân trở thành tấm gương sáng trong học tập lẫn công tác Đoàn, hội.

Hôm 25-12, Thành đoàn TNCS TP HCM đã công bố kết quả bầu chọn Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2018, với 9 gương mặt nổi bật. Trong số này, Lê Chí Cường – sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM – là tấm gương xuất sắc, vượt lên hoàn cảnh khó khăn bản thân để đạt những thành tích nổi bật.

Hội trường cười ồ chàng nhà quê

Trò chuyện với chúng tôi, chàng trai sinh năm 1995 khiêm tốn nói rằng khi biết tin may mắn đạt danh hiệu công dân tiêu biểu TP HCM cao quý, Cường rất vui và tự hào. Các thầy cô của Cường cũng cho biết không quá bất ngờ trước thành tích của cậu sinh viên này bởi đó là kết quả của cả quá trình phấn đấu.

Những ngày hè xanh (chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh)

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, từ nhỏ Cường phải chứng kiến cảnh cha mẹ mất sức lao động, không có đất canh tác phải làm thuê kiếm sống, các chị Cường phải gián đoạn việc học. Do đó, Cường nung nấu trong lòng quyết phấn đấu để thành một doanh nhân thành đạt. Là học sinh chuyên toán, thời cấp 3, Cường chỉ biết vùi đầu vào đèn sách, không nghĩ tới các hoạt động ngoại khóa cho đến khi trở thành sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Trong ngày đầu làm thủ tục nhập học, thấy các anh chị khóa trước trong màu áo xanh tình nguyện, tân sinh viên tỉnh lẻ rất ấn tượng và đinh ninh rằng nếu làm được điều đó, cậu sẽ thoát khỏi sự bỡ ngỡ ban đầu. Nghĩ là làm, năm đó Cường ứng cử vào cuộc bầu chọn ban cán sự lớp. “Tuy nhiên, ngay từ câu nói đầu tiên của em vang lên qua micro, cả hội trường đã cười ồ lên vì giọng em run rẩy, ấp úng, phong thái thiếu tự tin, lối ăn bận nhà quê của mình” – Cường chia sẻ. Chính khoảnh khắc đó đã tạo nên động lực mạnh mẽ khiến Cường thay đổi, thoát khỏi con người rụt rè, hay sợ hãi đám đông.

Nam sinh viên chân đất thành Công dân tiêu biểu - Ảnh 1.

Lê Chí Cường nhận dạnh hiệu ”Sinh viên 5 tốt”

Ngay từ năm nhất, Cường đã lên kế hoạch cụ thể, thử thách bản thân bằng cách trong tất cả môn học cậu thường chọn ngồi đầu bàn, xung phong thuyết trình trong những buổi làm việc nhóm. Qua 1 học kỳ, Cường tiến bộ rõ rệt. Bước vào năm 2, cậu được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn Khoa Quản trị kinh doanh và 2 năm sau đó, liên tiếp đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và Sao tháng giêng năm 2017. Suốt 3 năm làm chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM tại các mặt trận tỉnh Vĩnh Long, Đắk Nông, Đồng Tháp và phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM rồi được tín nhiệm với vị trí Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường này.

Cường kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chiến dịch tình nguyện là khi cả đoàn xây nhà cho một gia đình đặc biệt khó khăn: Cha mẹ già bị bệnh tim, người con trai bị tâm thần nhẹ. Thấy gia đình hoàn cảnh éo le, ai nấy cũng xót xa. Tuy nhiên, vài năm sau, quay về thăm lại ngôi nhà mà chính tay Cường và những thành viên trong đoàn tham gia xây dựng, mọi người rất bất ngờ và cảm động trước sự ấm áp, đủ đầy hơn, có của ăn của để của căn nhà xưa, anh con trai nay cũng đã cưới vợ. “Chứng kiến điều đó, bọn em thấy như mình đã góp một phần vào hạnh phúc của gia đình họ” – Cường kể.

Thêm vài lần đôi mươi

Khoảng thời gian khó khăn của gia đình bắt đầu từ khi Cường học cấp 3 trường chuyên, cha mẹ đành bất lực gửi chị gái lớn cho ông nội, chị gái giữa phải bỏ học để em trai có tiền đi học. Ý thức được hoàn cảnh mình, khi là sinh viên, Cường xin làm thêm ở các quán ăn, cà phê, đi dạy thêm cho học sinh cấp 2 để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập. Một ngày của Cường ít khi kết thúc trước 2 giờ sáng. Điều đáng khâm phục là qua 4 năm ĐH, Cường đạt thành tích học tập xuất sắc, nhận học bổng ở tất cả học kỳ, lọt tốp 10 sinh viên có thành tích học tập cao nhất trường…

Nam sinh viên chân đất thành Công dân tiêu biểu - Ảnh 2.

Lê Chí Cường trong một buổi làm việc cùng thầy hướng dẫn

Với sự “thiệt tình” của người miền Tây Nam Bộ, Cường tâm sự nếu gia đình đủ đầy thì cậu đã không phải làm thêm vất vả như vậy, vì không phải việc làm thêm nào cũng đem lại những kỹ năng như giao tiếp, ứng xử… như mọi người thường nói. “Đúng là việc làm thêm giúp em có thêm kỹ năng trong cuộc sống nhưng nếu làm thêm không phù hợp với chuyên ngành, chỉ có mất thời gian” – Cường đúc kết.

Sinh viên này cho rằng ai cũng có 24 giờ trong ngày nhưng nếu biết sắp xếp thời gian hợp lý, sống sâu, sống đầy hơn, bản thân họ sẽ có nhiều thời gian hơn những người khác. Khi được hỏi có khi nào cảm thấy mỏi mệt vì phải lo toan quá nhiều, Cường cho biết luôn thuộc nằm lòng câu thầy dặn: “Chúng ta chỉ được sống một lần trong đời ở tuổi đôi mươi, vậy tại sao không sống nhiều tuổi đôi mươi hơn những người khác?”.

Mê nghiên cứu du lịch

Cơ duyên nghiên cứu khoa học đến với Cường từ năm 3 ĐH, khi gặp được thầy Ngô Cao Hoài Linh – giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Thầy Linh cũng là Nhà giáo trẻ TP HCM năm 2016-2017, tốp 12 Công dân tiêu biểu

TP HCM năm 2017. Nhìn thấy được khả năng, đánh giá cao ý chí, nỗ lực vượt khó của Cường, thầy Linh đã dìu dắt cậu trong hầu hết các nghiên cứu và trở thành cặp “thầy – trò” ăn ý trong 2 năm qua. Kết quả, đến nay, Cường đã công bố 4 công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí khoa học chuyên ngành được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận; 2 công trình nghiên cứu khoa học tại hội thảo khoa học quốc gia; đoạt giải nhì Giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu khoa học năm 2018” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn tổ chức; giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học EUREKA cấp trường năm 2017 – lĩnh vực kinh tế.

Đặc biệt, chuỗi các công trình nghiên cứu về du lịch của 2 thầy trò đã được Sở Du lịch TP HCM và các doanh nghiệp du lịch nhà nước lẫn tư nhân đánh giá cao, như: “Nhận diện khách hàng mục tiêu thông qua lợi ích tìm kiếm của du khách: Tình huống nghiên cứu tại các doanh nghiệp du lịch TP HCM”, “Nghiên cứu tác động của công tác định hướng thị trường đến hành vi du lịch của du khách: Trường hợp nghiên cứu tại TP HCM”, “Ảnh hưởng của định hướng thị trường đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch tại TP HCM”, “Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của du khách, trường hợp nghiên cứu tại TP HCM”… Sắp tới, 2 thầy trò này sẽ thực hiện thêm nghiên cứu về tình hình khách du lịch Mỹ ở Việt Nam với tham vọng đây sẽ là nguồn tham khảo quý giá cho ngành du lịch nước nhà.

Chí Cường cho biết động lực để vượt lên khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập chính là niềm đam mê và khao khát được khẳng định bản thân. Nam sinh viên năm cuối cũng tâm sự tuy ước mơ ban đầu là trở thành một doanh nhân nhưng sau 4 năm ĐH, cậu chưa bao giờ thấy nghề giáo lại cao quý đến thế, từ ngày gặp thầy của mình. “Để thực hiện ước mơ, em xây dựng lộ trình rõ ràng, tiếp tục học tập để phấn đấu trở thành một giảng viên giỏi” – Cường cho hay.

Xác định mục tiêu đúng hướng

Ths. NCS Ngô Cao Hoài Linh cho biết thành tích của Lê Chí Cường hôm nay xuất phát từ việc xác định mục tiêu đúng hướng, chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đầu tư dài hơi, bài bản từ nhiều năm ĐH. Đây là sự “giao thoa” giữa công tác Đoàn, hội và nghiên cứu khoa học chứ không phải ngẫu nhiên có được. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, Cường sở hữu 10 bài báo nghiên cứu khoa học – kết quả mà nhiều người phấn đấu cả đời.

Theo nld.com.vn

 

 

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.